Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu? Chi phí, giấy tờ cần mang theo

Sơ yếu lý lịch là tờ khai thông tin cá nhân, thông tin gia đình và tiểu sử của người viết. Công chứng sơ yếu lý lịch thường được yêu cầu khi làm hồ sơ xin việc hoặc hồ sơ học tập. Vậy những cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền thực hiện công chứng sơ yếu lý lịch? Khi đi công chứng cần mang theo những giấy tờ gì, chi phí hết bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và điều cần lưu ý khi thực hiện công chứng sơ yếu lý lịch.

Công chứng sơ yếu lý lịch ở đâu?

Khoản 2 và 3 của Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã giải thích về “chứng thực bản sao từ bản chính” và “chứng thực chữ ký”.

Theo đó, việc “chứng thực bản sao từ bản chính” được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm mục đích xác nhận, chứng thực bản sao là đúng so với bản chính. Do đó, khi thực hiện “chứng thực bản sao từ bản chính”, người dân cần mang theo bản gốc và bản photo giấy tờ cần xác thực để làm căn cứ thực hiện chứng thực.

“Chứng thực chữ ký” cũng do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện, tuy nhiên mục đích là để chứng thực chữ ký trong văn bản, giấy tờ đúng là của người yêu cầu chứng thực.

Vì vậy đối với sơ yếu lý lịch, thuật ngữ chính xác là “chứng thực chữ ký”.

Sơ yếu lý lịch là tờ khai cung cấp những thông tin tổng quát về người viết

Căn cứ vào khoản 9 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người có nhu cầu chứng thực có thể đến một trong các cơ quan, tổ chức dưới đây để xin chứng thực chữ ký:

STT Nơi thực hiện chứng thực Người thực hiện chứng thực
1 Phòng Tư pháp tại quận, huyện, thị xã hoặc thành phố Trưởng phòng/Phó Trưởng Phòng
2 Uỷ ban nhân dân (các cấp xã, phường, thị trấn) Chủ tịch/Phó Chủ tịch
3 Phòng công chứng, Văn phòng công chứng Công chứng viên
4 Cơ quan đại diện lãnh sự, Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (nếu người đó đang ở nước ngoài) Viên chức ngoại giao/viên chức lãnh sự

Những điều cần lưu ý khi chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Đa số các cơ quan, tổ chức thực hiện việc công chứng sơ yếu lý lịch (chính xác hơn là chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch) đều làm việc vào giờ hành chính, tức là từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 hoặc 12 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 hoặc 14 giờ đến 17 giờ. Do đó người yêu cầu chứng thực cần nắm rõ các lưu ý khi xin chứng thực để có sự chuẩn bị đầy đủ nhất, tránh mất thời gian và gây ảnh hưởng tới công việc. 

>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn lãnh bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc chi tiết nhất

  • Các giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch

Khi thực hiện các giao dịch hành chính tại Việt Nam đều cần mang theo giấy tờ tùy thân để xác minh lai lịch, việc chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch cũng không phải ngoại lệ.

Theo Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch cần mang theo những giấy tờ sau:

  • Giấy Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu bản gốc hoặc bản sao công chứng còn giá trị sử dụng.
  • Bản sơ yếu lý lịch cần chứng thực chữ ký.

Sau khi người thực hiện chứng thực kiểm tra và xác nhận đã đủ các giấy tờ nêu trên, người yêu cầu chứng thực sẽ ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Việc thực hiện chứng thực đúng quy định cần đảm bảo:

  • Lời chứng chứng thực chữ ký cần được ghi đầy đủ và đúng theo mẫu quy định.
  • Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu xác nhận và ghi vào sổ chứng thực.

Khi chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch cần mang theo CCCD/CMND/hộ chiếu còn hạn sử dụng

  • Chi phí chứng thực 

Chi phí chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch được quy định trong Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC, mức phí là 10.000đ/trường hợp (trường hợp được hiểu là số lượng chữ ký trong cùng một giấy tờ hoặc văn bản).

Đây là mức chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện của mọi người dân để ai cũng có thể dễ dàng thực hiện việc chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch, cụ thể như sau: 

  • Tại Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố và Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn: 10.000đ/trường hợp
  • Tại Phòng công chứng, Văn phòng công chứng: 10.000đ/trường hợp
  • Tại các Cơ quan đại diện lãnh sự/Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài): 10 USD/bản
  • Trường hợp nào không được chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch?

Trong một số trường hợp, việc chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch (thường gọi là công chứng sơ yếu lý lịch) sẽ không được thực hiện do người yêu cầu chứng thực không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP nêu rõ những trường hợp dưới đây không được chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch:

  • Người thực hiện chứng thực tại thời điểm chứng thực không thể nhận thức và tự làm chủ hành vi.
  • Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu mà người yêu cầu chứng thực xuất trình không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
  • Nội dung của văn bản, giấy tờ cần chứng thực là trái với pháp luật và đạo đức của xã hội; tuyên truyền hoặc kích động chiến tranh, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam; xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc tổ chức; vi phạm quyền công dân.
  • Giấy tờ, văn bản có nội dung và hình thức dưới dạng hợp đồng hoặc giao dịch (trừ các trường hợp chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền mà không có thù lao hoặc không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền).

Người yêu cầu chứng thực đáp ứng đủ điều kiện chứng thực, cần ký, ghi rõ họ tên trước mặt người thực hiện chứng thực

Kết luận

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã phân biệt được sự khác nhau giữa “công chứng sơ yếu lý lịch” và “chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch”, đồng thời có thêm những thông tin cần thiết để có thể chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch một cách dễ dàng và nhanh chóng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x