Kế toán nội bộ là gì? Checklist công việc của kế toán nội bộ

Mỗi công ty hay doanh nghiệp muốn vận hành tốt thì vị trí kế toán nội bộ là không thể thiếu. Vậy vị trí kế toán nội bộ là gì? Công việc của kế toán nội bộ là làm những gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Định nghĩa kế toán nội bộ

Là một trong nhiều vị trí kế toán cần có của mỗi doanh nghiệp, kế toán nội bộ làm công việc thực hiện, quản lý tất cả các khoản thu, chi, những khoản phát sinh không tuân thủ theo hoá đơn, chứng từ trong doanh nghiệp. Việc ghi chép tất cả các khoản phát sinh là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp thống kê doanh thu mỗi tháng một cách dễ dàng. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra những định hướng kinh doanh trong những tháng tới, giúp doanh thu đạt kết quả tốt hơn. 

Mô tả công việc chung của kế toán nội bộ trong doanh nghiệp

Trong mỗi doanh nghiệp, kế toán nội bộ cũng có nhiều vị trí và nhiệm vụ khác nhau. Nhưng nhìn chung, nhiệm vụ của kế toán nội bộ là phụ trách những công việc sau: 

  • Phát hành những chứng từ nội bộ và kiểm tra tính hợp pháp của chúng
  • Lưu giữ và sắp xếp các chứng từ nội bộ một cách khoa học nhất để có thể dễ dàng tìm được khi cần. 
  • Hạch toán tất cả những nghiệp vụ phát sinh từ chứng từ kế toán. 
  • Kiểm soát công việc và phối hợp với các vị trí kế toán khác để công việc đạt hiệu quả cao nhất. 
  • Lập báo cáo tài chính, kiểm soát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp định kỳ theo tuần, tháng, quý, năm hoặc bất cứ khi nào cấp trên yêu cầu. 
  • Tổng hợp, thống kê tình hình sản xuất, kết quả kinh doanh định kỳ của doanh nghiệp, sau đó dựa vào tình hình lãi, lỗ để đóng góp ý kiến, xây dựng phương án kinh doanh cho doanh nghiệp ở những tháng tiếp theo. 

Kế toán nội bộ quản lý tất cả các chứng từ trong doanh nghiệp

Phân loại kế toán nội bộ và công việc của mỗi vị trí

Phụ thuộc vào quy mô của công ty mà vị trí kế toán nội bộ sẽ được phân chia công việc khác nhau. Những công ty nhỏ thường chỉ có 1 đến 2 người làm công việc kế toán nội bộ. Những công ty có quy mô lớn, công việc của kế toán nội bộ có rất nhiều và chủ yếu được chia thành những vị trí sau đây:

Kế toán thủ quỹ

Kế toán thủ quỹ được giao nhiệm vụ quản lý các khoản thu, chi chủ yếu bằng tiền mặt và chịu trách nhiệm xuất tiền quỹ cho các khoản đó. Đặc điểm của vị trí kế toán này là cần phải rõ ràng, đảm bảo sự minh bạch trong việc sử dụng quỹ của công ty. Ngoài ra, người làm việc này cũng cần phải cẩn thận và tỉ mỉ để quản lý tiền quỹ thật khoa học. Cụ thể, công việc của thủ quỹ gồm những mục sau: 

  • Quản lý quỹ tiền mặt của công ty và chịu trách nhiệm thu, chi các khoản phát sinh bằng tiền mặt mà công ty cần đến. 
  • Lập báo cáo thống kê định kỳ những khoản thu, chi và số dư còn lại cuối mỗi kỳ. Ngoài ra, các khoản tiền chi ra cũng cần đúng mục đích, được tổng hợp lại một cách hợp lý. 
  • Lập kế hoạch thu, chi mỗi kỳ đảm bảo tính tiết kiệm, hợp lý, duy trì số dư mỗi kỳ phòng khi cần có việc phát sinh đột xuất. 

Kế toán thanh toán

Kế toán thanh toán là người đứng ra giải quyết các nghiệp vụ thanh toán, công nợ theo các chứng từ nội bộ. Cụ thể, công việc của kế toán thanh toán bao gồm:

  • Lập báo cáo thu, chi theo từng kỳ. 
  • Xác nhận các hoá đơn bán hàng và chứng từ thanh toán. 
  • Thực hiện quyết toán các khoản thu, chi liên quan đến nghiệp vụ kinh tế trong doanh nghiệp. 
  • Thống kê các khoản phải thu mỗi kỳ, phối với với thủ quỹ lên kế hoạch các khoản thu, chi một cách chi tiết. 
  • Lưu trữ các chứng từ thanh toán của công ty một cách hợp lý nhất.

Kế toán thanh toán giải quyết tất cả các nghiệp vụ thanh toán của công ty 

Kế toán kho

Kế toán kho là người phụ trách tất cả những nghiệp vụ liên quan đến kho hàng của công ty. Kế toán kho kiểm soát tất cả hàng hóa trong kho, quản lý số lượng xuất kho, nhập kho và hàng tồn sau mỗi kỳ. Công việc của kế toán kho phụ trách cụ thể như sau: 

  • Kiểm soát tất cả quá trình khi có hàng nhập kho, xuất kho. Liên tục cập nhật số lượng hàng hóa trong kho. 
  • Cần liên hệ với nhà cung cấp để nhập hàng, bảo số lượng hàng hoá có trong kho có đủ cho mỗi lần giao hàng. 
  • Thực hiện xử lý những hàng hóa hỏng hóc hay hết hạn sử dụng. 
  • Lập các hoá đơn nhập, xuất hàng hoá, đối chiếu hoá đơn này với các hợp đồng mua bán. 
  • Báo cáo định kỳ số lượng hàng nhập, xuất và hàng tồn kho. Đề xuất những giải pháp quản lý và bảo quản lượng hàng tồn trong kho tốt nhất. 

Kế toán bán hàng

Công việc của kế toán bán hàng không đòi hỏi nhiều kỹ năng nghiệp vụ, những điều bạn cần là sự cẩn trọng và làm việc khoa học. Công việc mà kế toán bán hàng cần làm cụ thể như sau: 

  • Kiểm soát và cập nhật các hoá đơn bán hàng. Lưu trữ và bảo quản chúng một cách hợp lý. 
  • Nhập liệu số hàng mua vào, bán ra vào phần mềm kế toán của công ty. 
  • Theo dõi và lập hoá đơn bán hàng theo hợp đồng mua bán, đồng thời tính thuế GTGT của đơn hàng. 
  • Theo dõi các khoản tiền phải thu và phối hợp với kế toán công nợ đôn đốc việc thu nợ từ khách hàng. 
  • Báo cáo tình hình bán hàng định kỳ của công ty và đề xuất những giải pháp giúp tăng số lượng hàng bán, tăng doanh thu trong các kỳ tiếp theo.

Kế toán bán hàng phụ trách các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động bán hàng của công ty 

Kế toán công nợ

Một doanh nghiệp luôn có những công nợ phải trả và phải thu định kỳ, vì vậy vị trí kế toán công nợ hình thành nhằm kiểm soát tất cả vấn đề này. Kế toán công nợ đảm nhiệm những nhiệm vụ sau đây:

  • Xác nhận công nợ với khách hàng và phía đơn vị cung cấp dựa vào thống kê nhập hàng, bán hàng và thanh toán mỗi kỳ. 
  • Phân loại những hóa đơn đã thanh toán và chưa thanh toán một cách khoa học để dễ dàng thu công nợ khi đến kỳ. 
  • Theo dõi, thống kê tình hình thanh toán của khách hàng sau mỗi kỳ. Thực hiện thanh toán công nợ, đồng thời thu hồi công nợ từ khách hàng. 
  • Phối hợp cùng kế toán bán hàng và kế toán kho lập báo cáo các công nợ quá hạn và đưa ra giải pháp giải quyết các công nợ đó sao cho hợp lý. 

Kế toán tiền lương

Tiền lương là một vấn đề mà tất cả nhân viên trong một doanh nghiệp quan tâm. Những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có một kế toán tiền lương phụ trách tất cả việc tính lương, trả lương cho nhân viên và theo dõi, quản lý các khoản bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, kế toán tiền lương phụ trách các công việc như sau:

  • Soạn thảo hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc cho nhân viên mới. Kiểm soát thủ tục đăng ký sử dụng lao động. 
  • Hoàn thành thủ tục đăng ký nộp bảo hiểm xã hội cho nhân viên công ty. 
  • Hoàn thành bảng chấm công mỗi tháng để gửi cho thủ quỹ và tiến hành trả lương cho nhân viên đúng thời hạn trong hợp đồng. 
  • Kiểm soát các thủ tục bảo hiểm thai sản cho người nghỉ sinh, bảo hiểm thất nghiệp cho người nghỉ việc, người nghỉ hưởng lương hưu, người bị tai nạn lao động,…

Bài viết trên là toàn bộ thông tin về công việc của kế toán nội bộ trong một doanh nghiệp. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu về vị trí này và định hướng được một công việc phù hợp với bản thân nhất. 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x