Học luật ra làm gì? Cơ hội việc làm “hái ra tiền” cho dân học Luật

Học luật ra làm gì? Cử nhân luật về làm thầy cãi à? Ai bảo cứ học luật ra thì là luật sư? Luật sư chỉ là một trong số những lựa chọn của người học luật. Bởi vì, luật là một trong số ít ngành có tính áp dụng cao nên nghề nghiệp cũng trở nên đa dạng. Các bạn hãy cùng tìm hiểu một số công việc dành cho dân luật qua bài viết dưới đây.

Luật là ngành có tính áp dụng cao trong đa lĩnh vực hiện nay

Sinh viên học luật ra làm gì?

Dưới đây là 07 lựa chọn hấp dẫn về công việc trả lời cho câu hỏi: “Sinh viên học luật ra làm gì?”

Chuyên viên pháp lý

Có thể hiểu, chuyên viên pháp lý là người hỗ trợ, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật trong công ty. Họ thường tiếp nhận hồ sơ từ cấp trên, chịu trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra hướng xử lý, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản, hồ sơ giấy tờ theo quy định của pháp luật nói chung, công ty nói riêng.

Đối với lĩnh vực công chứng hay thừa phát lại và một số ngành khác, chuyên viên pháp lý còn được thay bằng tên gọi “thư ký nghiệp vụ”.

Pháp chế doanh nghiệp

Xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp mọc lên như nấm sau cơn mưa. Vậy học luật ra làm gì tại các doanh nghiệp? Dân luật trong doanh nghiệp giữ một vai trò gọi là “pháp chế doanh nghiệp”. Vị trí này không chỉ có nhiệm vụ xây dựng các quy chế doanh nghiệp mà còn tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến.

Ngoài ra, họ còn giải quyết các vấn đề phát sinh ở góc độ pháp lý, giải quyết kiện tụng, hỗ trợ ban giám đốc, ban quản lý điều hành trong doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp vừa và lớn, họ có cả một phòng ban pháp chế riêng biệt, chuyên xử lý các công việc liên quan đến pháp luật của công ty.

Công chứng viên

Công chức viên là chức danh tư pháp được Bộ tư pháp bổ nhiệm để thực hiện chức năng công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Các công chứng viên thường làm việc tại Phòng công chứng (công chứng nhà nước) hoặc Văn phòng công chứng (công chứng tư nhân). Tuy nhiên để trở thành công chứng viên, bạn sẽ phải trải qua các quy trình theo Luật Công chứng 2014 quy định.

Giảng viên ngành luật

Giảng viên luật là người đứng trên bục trực tiếp giảng dạy các môn luật tại các bậc cao đẳng, đại học chuyên ngành luật. Để trở thành một giảng viên, yêu cầu phải có một nền tảng kiến thức vững chãi, cũng như kinh nghiệm qua các vấn đề thực tế. Ngoài ra, người đó phải tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành luật và theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Luật sư

Thường khi nghe đến pháp luật, mọi người đều nghĩ đến nghề Luật sư. Công việc chính của một luật sư thường sẽ là người tư vấn, đại diện pháp luật cho một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đó. Họ có chức năng như: tư vấn, nghiên cứu, thu thập bằng chứng, soạn thảo tài liệu phục vụ cho vụ việc, tham gia bào chữa, tranh tụng,…

Tuy nhiên, để trở thành một luật sư, một cá nhân sẽ mất khoảng 6-7 năm để trải qua các giai đoạn như: trở thành cử nhân luật, hoàn thành các khoá học đào tạo luật sư, tập sự tại các công ty/văn phòng luật và thi cử, kiểm tra theo quy định.

Thư ký toà án

Học luật ra làm gì ư? Chỉ cần cầm tấm bằng cử nhân luật trong tay, bạn hoàn toàn có thể trở thành thư ký toà án. Chức danh này được Toà án tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm vào ngạch thư ký Toà án. Họ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định, thực hiện các công việc hành chính theo sự phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vì của mình.

Kiểm sát viên

Kiểm sát viên làm việc tại các Viện kiểm sát, là người được bổ nhiệm để thực hiện chức năng công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Họ làm các công việc như: giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, buộc tội người phạm tội, giải quyết các vụ việc dân sự, các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Sự đa dạng công việc dành cho sinh viên luật

Muốn việc tốt lương cao lại có cơ hội thăng tiến thì học luật ra làm gì?

Học luật ngành nào dễ xin việc?

Tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay, ngành luật được phân nhánh thành các nhóm ngành khác nhau như: ngành luật học, ngành luật kinh tế, ngành luật thương mại, ngành luật thương mại quốc tế… Mỗi nhóm ngành ngoài kiến thức chung về pháp luật, sẽ có những môn học đặc thù riêng.

Tuy nhiên, nhìn chung các bạn học luật đều được đào tạo nền tảng kiến thức chung về pháp luật, am hiểu luật pháp Việt Nam cũng như luật quốc tế. Các bạn sẽ được học từ những môn pháp luật đại cương như Hiến pháp, Lí luận nhà nước về pháp luật, Triết, Luật Dân sự, Luật Hình sự, … cho đến các môn học chuyên ngành của bản thân như các môn kỹ năng tư vấn soạn thảo văn bản, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Luật cạnh tranh,….

Ngoài việc học kiến thức, các bạn còn trau dồi được bản lĩnh tự tin, kỹ năng biện luận, tranh tụng, nói năng thuyết trình lưu loát, kỹ năng phân tích logic. Dù học ngành luật nào thì sau khi ra trường, bạn cũng sẽ có cho mình một vốn kiến thức nhất định, các kỹ năng mềm tốt để vận dụng.

Do vậy, vấn đề học ngành luật nào để xin việc dễ nó không hẳn phụ thuộc vào ngành học mà còn phụ thuộc vào chính bản thân mình, về khả năng, kiến thức chuyên môn, cũng như kỹ năng mà mình trau dồi được sau các năm học. Ngành học chỉ là nền tảng, là tiền đề cho sự nghiệp phát triển sau này.

Một lời khuyên cho các bạn học luật muốn biết định hướng bản thân “Học luật để làm gì?”. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn có thể xin đi thực tập tại các công ty, văn phòng luật để trau dồi kiến thức. Ngoài việc vận dụng kiến thức học, bạn sẽ tích luỹ được kha khá kinh nghiệm, kỹ năng, tạo nền tảng tốt cho công việc sau này.

>> Có thể bạn quan tâm: Truyền thông là gì? Điều kỳ diệu của truyền thông trong cuộc sống

Mức lương, đãi ngộ cho việc làm ngành luật

Trung bình, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học luật sẽ có mức lương dao động khoảng 4-6 triệu đồng một tháng. Bởi kinh nghiệm còn non trẻ, vậy nên khi vào các công ty luật, văn phòng công chứng, doanh nghiệp bạn sẽ vừa học tập vừa làm việc để trau dồi kinh nghiệm, kiến thức.

Mức lương tỷ lệ thuận với kinh nghiệm và chuyên môn

Mức lương của bạn sẽ tăng dần theo số năm kinh nghiệm, khả năng chuyên môn và năng lực của bạn. 

  • Nếu kinh nghiệm của bạn trên 02 năm, mức lương dao động khoảng 7-10 triệu đồng một tháng.
  • Nếu kinh nghiệm của bạn trên 05 năm, mức lương của bạn không dưới 15 triệu đồng một tháng.

Ngoài ra, bạn có thể kiếm thêm các nguồn thu nhập ngoài công việc chính từ ngành luật như: tư vấn pháp luật, đăng kí giấy phép kinh doanh, sở hữu trí tuệ, viết content cho các trang pháp luật,…

Đối với ngành luật, mức lương là không giới hạn. Trong thời gian làm việc, bạn có thể học thêm các khoá đào tạo công chứng, đào tạo luật sư, toà án, thẩm phán,.. tại Học viện tư pháp. Những chứng chỉ này sẽ giúp ích cho bạn trên con đường về sau. Chỉ cần bản thân xác định được mình học luật để làm gì, thì con đường phía trước của bạn ắt thành công.

Kết luận

Trên đây là một số chia sẻ tổng quát về ngành luật. Sau khi đọc bài viết này, các bạn có thể hình dung sơ qua và tự mình trả lời cho câu hỏi “Học luật ra làm gì?”. Mong rằng qua bài viết này, những thông tin cơ bản trên sẽ góp ích giúp các bạn trẻ lựa chọn được cho mình một hướng đi đúng đắn. Chúc các bạn thành công!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x