Tổng hợp các lưu ý khi ứng tuyển thực tập Logistics cho sinh viên

Thương mại toàn cầu phát triển, các công việc liên quan đến ngành Logistics, chuỗi cung ứng cũng thu hút các bạn trẻ hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực này thường ưu tiên các bạn đã kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, nhiều sinh viên quyết định đi thực tập Logistics từ sớm để tích lũy kiến thức cũng như là một bước đệm để sẵn sàng cho tương lai nghề nghiệp sau này.

Ngành Logistics là làm gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất thì Logistics chính là tối ưu hoá quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tận tay người. Các công ty làm dịch vụ Logistics sẽ lên kế hoạch và kiểm soát lịch trình của hàng hoá, xử lý các thủ tục hải quan giúp khách hàng.

Logistics chia thành nhiều mảng nhỏ như:

  • Dịch vụ dỡ, bốc xếp, nâng hạ hàng hóa lên container, xe tải, tàu biển,…
  • Dịch vụ cho thuê kho bãi để lưu giữ hàng hóa
  • Dịch vụ bán cước vận tải bao gồm lên kế hoạch vận chuyển cho hàng hoá và làm thủ tục hải quan.
  • Các dịch vụ bổ trợ khác như xử lý hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa bị hư,…

Tổng quan về chuỗi cung ứng Logistics 

Tổng quan về chuỗi cung ứng Logistics 

Những vị trí ứng tuyển cho sinh viên thực tập Logistics

Trước khi nộp hồ sơ, các bạn sinh viên nên tìm hiểu trước các vị trí thực tập Logistics mà doanh nghiệp thường tuyển dụng. Một số vị trí chính các bạn có thể ứng tuyển:

Nhân viên thu mua (Purchaser)

Là người có nhiệm vụ:

  • Am hiểu Incoterm – các điều lệ mua bán hàng hoá xuất/ nhập khẩu để tạo đơn hàng đúng yêu cầu.
  • Chuẩn bị chứng từ, hồ sơ tham vấn hàng hoá và đi tham vấn trực tiếp với hải quan.
  • Tiếp nhận và phản hồi với nhà cung cấp về những thông tin khiếu nại liên quan đến sản phẩm.
  • Cập nhật báo cáo tồn kho hằng ngày cho phòng Kinh doanh, Ban lãnh đạo và khách hàng.
  • Thực hiện thủ tục thanh toán quốc tế cho người thụ hưởng ở nước ngoài.

Kiến thức cần trang bị: kỹ năng tính toán, khả năng đàm phán, có tinh thần học hỏi, cập nhật kiến thức mới về thay thế trong điều lệ mua bán,…

Nhân viên Purchaser thường làm việc tại kho hàng

Nhân viên Purchaser thường làm việc tại kho hàng

Nhân viên kinh doanh (Sales)

Thực tập Logistics tại vị trí Sales, các bạn sẽ người trực tiếp tư vấn dịch vụ vận chuyển hàng hoá với khách hàng. Vì thế, vị trí Sales thường yêu cầu các bạn sinh viên phải năng động, giao tiếp tốt, tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều thường sẽ được ưu tiên.

Công việc gồm có:

  • Tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, vận tải nội địa và xuất nhập khẩu để giới thiệu dịch vụ của công ty.
  • Tiếp cận và tư vấn trực tiếp cho khách hàng: chào giá, lên dự thảo hợp đồng, lập thủ tục và ký kết hợp đồng.
  • Duy trì, chăm sóc khách hàng hiện tại và tìm kiếm và phát triển mối quan hệ với khách hàng mới.

Kiến thức cần trang bị: kỹ năng bán hàng, kiến thức hàng hải, ngoại ngữ để tư vấn khách hàng nước ngoài, giao tiếp khéo léo,…

Nhân viên Sale Logistics thường có thu nhập hấp dẫn

Nhân viên Sale Logistics thường có thu nhập hấp dẫn

Nhân viên chứng từ (Customer Service/ Document Staffs)

Là bộ phận chịu trách nhiệm hoàn thiện chứng từ nhập/xuất hàng hoá tuân thủ đúng theo quy trình và thủ tục pháp lý hiện hành. Thực tập Logistics tại vị trí chứng từ, bạn sẽ hiểu để thông quan một lô hàng cần phải làm gì. Công việc hàng ngày:

  • Chuẩn bị bộ chứng từ: tờ khai xuất/ nhập khẩu thông quan, bills, hóa đơn Invoice, Packing list, … và tiến hành kiểm tra tính hợp lệ trước khi thanh toán
  • Theo dõi tình hình vận chuyển của hàng hoá: thông tin tàu đến/rời bến, thời gian hàng bay,…
  • Kết hợp với nhân viên hiện trường điều phối vận tải đưa hàng về kho bãi.

Kiến thức cần trang bị: kiến thức chuyên môn về thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, ngoại ngữ tốt để đọc hiểu tài liệu, thành thạo tin học văn phòng,…

Nhân viên chứng từ cần rất cẩn thận khi làm việc nhiều với giấy tờ

Nhân viên chứng từ cần rất cẩn thận khi làm việc nhiều với giấy tờ

Nhân viên giao nhận hiện trường (Operation – Ops)

Thực tập Logistics tại bộ phận này sẽ có cơ hội làm việc tại cảng biển, cảng hàng không hoặc kho bãi, trực tiếp làm việc với Hải quan để thông quan khi cần và đưa hàng hóa lên tàu. Công việc chính gồm:

  • Chuẩn bị lệnh, công văn xin nhập/ xuất hàng tại cảng..
  • Phối hợp với nhân viên chứng từ điều phối hàng hóa tại cảng, kho bãi, xếp dỡ hàng hoá theo yêu cầu.
  • Kiểm tra và làm thủ tục thông quan tại các chi cục hải quan
  • Giải quyết vấn đề phát sinh nếu có liên quan đến hàng hóa tại cảng, cửa khẩu.

Kiến thức trang bị: am hiểu thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh và có kinh nghiệm trong việc thông quan hàng hóa tại hiện trường.

Kỹ năng: làm việc nhóm cũng như độc lập tốt, khả năng xử lý vấn đề, giao tiếp tốt, …

Nhân viên hiện trường đợi làm thủ tục tại kho SCSC – Hồ Chí Minh

Những điều sinh viên cần chuẩn bị trước khi đi thực tập Logistics

Hồ sơ xin thực tập Logistics

Hồ sơ thực tập thường yêu cầu CV (Curriculum Vitae), đơn xin thực tập, các chứng chỉ nếu có như chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng anh Ielts hoặc Toeic,… Trong đó, CV là bản mô tả ngắn gọn bản thân về ngành học, kỹ năng và kinh nghiệm trong các hoạt động ngoại khóa tại trường học của các bạn sinh viên. 

Ngoài ra, trong hồ sơ xin thực tập Logistics có thêm giấy giới thiệu trực tiếp từ thầy/cô giảng viên trong trường Đại học sẽ giúp các bạn sinh viên có cơ hội được nhận cao hơn.

Và trước khi phỏng vấn thực tập Logistics, bạn nên chuẩn bị trước:

  • Bài giới thiệu ngắn gọn bản thân bằng tiếng Anh và tiếng Việt. 
  • Tập luyện ứng xử trước các câu hỏi thường có tại buổi phỏng vấn và câu hỏi kiến thức chuyên ngành.
  • Trang phục lịch sự cùng phong thái tự tin.
  • Chú ý đến phỏng vấn đúng giờ.
  • Đừng quên chào hỏi khi đến và gửi lời cảm ơn sau khi ra về tại buổi phỏng vấn.

 Chuẩn bị CV kĩ lưỡng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng

 Chuẩn bị CV kĩ lưỡng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng

Ứng tuyển thực tập Logistics ở đâu?

Với nguồn thông tin rộng mở, không khó để các bạn sinh viên tìm được vị trí thực tập Logistics. Một số gợi ý cho bạn để tìm vị trí thực tập uy tín:

  • Website doanh nghiệp: tại đây bạn sẽ có thông tin tuyển dụng chính xác nhất. Để nhanh chóng bạn có thể chủ động liên hệ ngay với bộ phận Nhân sự với hotline trên website công ty.
  • Website tuyển dụng như Vietnamworks, TopCV, Careerbuilder,… hoặc hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội như Facebook.
  • Sự giới thiệu từ nhà trường hoặc người quen.

Kỹ năng cần thiết

  • Thông thạo ngoại ngữ: ngành Logistics giúp kết nối sản phẩm trong nước tiến xa hơn ra nước ngoài, vì thế người làm trong ngành cần giỏi ngoại ngữ đặc biệt là Tiếng Anh để việc giao dịch hàng hóa dễ dàng hơn. 
  • Kỹ năng giao tiếp vô cùng quan trọng: Bạn sẽ cần gặp mặt đối tác, khách hàng và thực hiện cuộc đàm phán khác nhau nên khả năng giao tiếp khéo léo giúp công việc của bạn thêm thuận lợi. Ngoài ra, đó còn là chìa khóa giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp. 
  • Tin học văn phòng cũng là kỹ năng không thể thiếu, các bạn sinh viên nên thành thạo trước khi đi thực tập Logistics: khả năng soạn thảo văn bản chuyên nghiệp, kỹ năng excel, outlook, tạo các slides hấp dẫn từ powerpoint để thuyết trình trước khách hàng,…
  • Một số kỹ năng mềm khác như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng chịu được áp lực làm việc với cường độ cao,… 

Trên đây là những tổng hợp các lưu ý khi ứng tuyển thực tập Logistics cho các bạn sinh viên. Hy vọng rằng những bạn trẻ đang có định hướng theo đuổi ngành Logistics chuỗi cung ứng, đặc biệt là những bạn sắp bước vào kỳ thực tập sẽ có những thông tin tham khảo hữu ích.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x