Cách viết điểm mạnh điểm yếu trong CV thu hút nhà tuyển dụng 2024
Mục lục
Viết điểm mạnh điểm yếu trong CV là một phần “nhỏ mà có võ”. Nhà tuyển dụng muốn nhìn một bức tranh trung thực và toàn diện về ứng viên nên việc viết sao cho tinh tế, ấn tượng sẽ giúp bạn nổi bật hơn các đối thủ khác. Hãy đọc bài viết dưới đây để được hướng dẫn cách viết điểm mạnh điểm yếu hiệu quả, thu hút nhà tuyển dụng nhé!
1. Vì sao cần viết điểm mạnh điểm yếu trong CV?
Việc viết điểm mạnh điểm yếu trong CV giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn toàn diện về năng lực và khả năng phát triển của bạn trong công việc. Qua đó, các khía cạnh về bản thân của ứng viên sẽ được đánh giá như sau:
- Tính trung thực và minh bạch
Việc nêu rõ cả điểm mạnh và điểm yếu sẽ thể hiện sự thành thật và minh bạch của ứng viên. Đức tính này được nhà tuyển dụng đánh giá cao và tạo ấn tượng tốt.
- Hiểu rõ về bản thân
Trình bày điểm mạnh điểm yếu trong CV phản ánh sự tự nhận thức về bản thân của ứng viên. Điều này giúp ứng viên đó phát huy tối đa khả năng tự phát triển và đối mặt với thử thách. Nhà tuyển dụng có thể khai thác được những ưu điểm sẵn có, tạo giá trị cho công ty.
- Khả năng phát triển
Việc chia sẻ cách đối mặt với nhược điểm thể hiện bản lĩnh, khả năng ứng phó của ứng viên. Điều này giúp nhà tuyển dụng đánh giá sự tự phát triển và thích ứng của bạn trong môi trường mới.
- Sự cân bằng
Không có ai hoàn hảo cả, vậy nên việc chỉ chăm chăm viết về những điểm mạnh bản thân sẽ khiến chiếc CV mất đi sự cân bằng và minh bạch. Nhà tuyển dụng muốn cái nhìn đa chiều về ứng viên, họ muốn biết bạn làm tốt điều gì và cần cải thiện những gì. Việc dũng cảm đối diện với những thiếu sót cũng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
2. Viết điểm mạnh điểm yếu trong CV như nào cho khôn khéo?
Khi viết điểm mạnh điểm yếu trong CV hay bất kỳ văn bản xin việc nào, hãy luôn cân nhắc và chọn lọc một cách tích cực, phù hợp nhất với vị trí ứng tuyển.
4 khía cạnh về điểm mạnh nên đề cập trong CV
Việc viết điểm mạnh trong CV cần khôn khéo để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và nổi bật những đặc điểm tích cực của ứng viên. Bạn hãy tập trung viết về các khía cạnh sau:
-
Trình độ học vấn, bằng cấp, chứng chỉ các khoá đào tạo
Bạn nên diễn đạt rõ ràng, nổi bật học vị nhằm ghi điểm với nhà tuyển dụng về nền tảng kiến thức vững chắc của bạn, ví dụ mẫu câu sau:
“Tôi đã đạt bằng cử nhân/thạc sĩ ngành [tên ngành] tại trường [tên trường] với thành tích xuất sắc/giỏi/khá (hoặc với GPA [điểm trung bình học tập]). Đây là 1 cam kết rõ ràng nhất về nền tảng kiến thức của tôi, cũng như nguồn lực để giúp tôi phát triển sâu trong ngành/lĩnh vực này”
-
Kinh nghiệm làm việc tích lũy, thành tích thu được
Ứng viên nên chia sẻ về kinh nghiệm và nêu bật những thành tựu đạt được một cách thuyết phục. Việc thêm số liệu xác thực giúp nhà tuyển dụng nắm được, cũng như có sự tin tưởng về năng lực của bạn. Một vài kinh nghiệm, thành tích bạn có thể viết như sau:
- Kinh nghiệm quốc tế: Có kinh nghiệm làm việc và hợp tác với những đồng nghiệp/ doanh nghiệp quốc tế trong các dự án toàn cầu, đảm bảo hiểu biết về thị trường và các luật quốc tế.
- Quản lý dự án [tên dự án] và đạt [kết quả,số liệu cụ thể] trong [thời gian cụ thể], góp phần to lớn vào sự thành công của tổ chức, tăng độ nhận diện và vị thế của tổ chức trên thị trường.
- Lãnh đạo nhóm [tên nhóm] trong việc đạt được một hợp đồng lớn với [đối tác/khách hàng], tăng doanh số bán hàng lên [tỉ lệ cụ thể].
-
Điểm mạnh về các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm
Ứng viên nên chọn lọc các kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển, một vài kỹ năng bạn có thể tham khảo như:
- Kỹ năng cứng: Ngôn ngữ lập trình (Java, Python, JavaScript,…); quản lý dự án; phân tích dữ liệu;…
- Kỹ năng mềm: giao tiếp hiệu quả; có tư duy giải quyết vấn đề; kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc;…
-
Điểm mạnh về tính cách/phẩm chất
Đề cập điểm mạnh về phẩm chất, tính cách cũng sẽ giúp bạn gây ấn tượng độc đáo với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cần viết những nét phù hợp với vị trí ứng tuyển. Ví dụ về một số phẩm chất cốt lõi bạn nên tham khảo:
- Tính sáng tạo và có tư duy phản biện.
- Trách nhiệm và để ý đến tiểu tiết/kỹ tính.
- Tính tò mò và không ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức mới.
Cách viết điểm yếu không bị mất điểm với nhà tuyển dụng
Khi viết điểm yếu, để tạo sự độc đáo, chân thật, nhưng không nặng nề mà vẫn ghi điểm với nhà tuyển dụng, bạn nên trình bày điểm yếu một cách tích cực, có giải pháp sau cùng kèm ví dụ chứng minh. Một vài ví dụ về điểm yếu và giải pháp như sau:
-
Điểm yếu về học vấn/bằng cấp
Nếu bạn e ngại về trình độ học vấn là điểm trừ cho nền tảng công việc, hãy viết rõ sự nhận thức kịp thời và tích cực. Tham gia các khóa học/đào tạo để bồi đắp kiến thức là giải pháp tuyệt vời để nhà tuyển dụng thấy được sự nỗ lực và nghiêm túc của bạn.
-
Thiếu kinh nghiệm chuyên môn
Kinh nghiệm làm việc không nhiều, các công cụ làm việc vẫn chưa thuần thục sẽ là những điểm bạn có thể thẳng thắn đề cập. Nhà tuyển dụng sẽ cộng điểm khi thấy tinh thần quyết tâm học hỏi, không ngại khó khăn của bạn.
-
Điểm yếu về tính cách
Bạn có thể viết về sự nóng tính khi có người cản trở, làm ảnh hưởng đến công việc; hoặc sự thiếu tự tin khi phải thuyết trình trước đám đông.
>> Có thể bạn quan tâm: [Hướng dẫn] Cách liên hệ với Facebook nhanh và đơn giản nhất
3. Lưu ý bắt buộc khi viết điểm mạnh điểm yếu trong CV
Tuy chỉ là phần nội dung nhỏ, nhưng việc ghi điểm mạnh điểm yếu trong CV vẫn được nhà tuyển dụng rất quan tâm để có cái nhìn tổng quát về ứng viên. Một số lưu ý quan trọng dưới đây sẽ giúp bạn trình bày điểm mạnh điểm yếu trong hồ sơ xin việc hiệu quả và tích cực:
- Liên quan chặt chẽ, tương xứng với vị trí ứng tuyển
Bạn nên đọc kỹ yêu cầu công việc, từ đó chọn lọc những đặc điểm phù hợp với vị trí đó. Lưu ý chỉ liệt kê từ 2-5 điểm mạnh và 1-2 điểm yếu để CV không bị dài, nhàm chán.
- Không viết quá nhiều hoặc quá chung chung
Để tạo sự độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng, bạn nên mô tả điểm mạnh điểm yếu trong CV là những đặc điểm đặc trưng ở bản thân. Hạn chế dùng các từ “quá”, “rất”, “luôn luôn”, hoặc các từ cường điệu hoá.
- Duy trì sự cân bằng
Duy trì cân bằng giữa sự tự tin và sự nhận thức, tránh mô tả bản thân tích cực hoặc tiêu cực thái quá.
4. Tạm kết:
Viết điểm mạnh điểm yếu trong CV hay bất kỳ hồ sơ xin việc nào thì sự chân thực và tích cực luôn là yếu tố quan trọng nhất. Nhà tuyển dụng qua đó sẽ thấy rõ cách bạn đóng góp giá trị và phát triển trong tổ chức của họ. Hy vọng bài viết này hữu ích trong việc giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cách mô tả bản thân, tạo dựng điểm mạnh điểm yếu trong CV.